Mặc dù củi là nguồn nguyên vật liệu tự nhiên, có thể bạn không mất tiền để có nó, nhưng việc tiết kiệm củi trong quá trình nấu nướng bạn nên lưu ý.
Đối với bếp củi truyền thống và cả những loại bếp tiết kiệm củi thì việc cách nấu, quá trình nấu, cách sử dụng làm sao cho hợp lý, tiết kiệm cho gia đình được hơn 20-30% tổng lượng củi nấu nướng là cần thiết.
Không những tiết kiệm được thời gian, năng lượng của gia đình mà còn giúp hạn chế ảnh hưởng nguồn nguyên liệu tự nhiên.
Dưới đây là những lưu ý, mẹo đun củi tiết kiệm mang lại hiệu quả khi gia đình bạn sử dụng bếp củi.
Mục lục
1. Phơi củi thật khô, loại bỏ hơi ẩm trong củi
Củi tươi, củi còn chứa hơi ẩm sẽ làm cho quá trình đun nấu của chúng ta kéo dài hơn. Khi thanh củi chưa thực sự khô nó sẽ không đạt mức cháy lớn nhất.
Phần năng lượng sẽ tiêu hao qua lượng khói chúng thoát ra. Củi còn ướt sẽ có công suất thấp, nguồn nhiệt thấp, chính vì vậy quá trình đun nấu sẽ kéo dài hơn, gây ra lãng phí củi.
Loại bỏ lượng khí ẩm trong củi bằng cách làm nhỏ củi, dạng thanh dài, phơi khô dưới ánh nắng mặt trời. Sau đó bảo quản nơi khô ráo, tránh tiếp xúc với nước mưa hay ẩm. Bạn nên đóng kệ hay làm nơi bảo quản củi. Một phần giúp củi tránh ẩm mốc, một phần nó sẽ hạn chế sự tấn công của mối.
Một mẹo vặt bạn có thế áp dụng đó là bạn có thế xếp quanh bếp trong quá trình đun nấu thức ăn. Lượng nhiệt tỏa ra từ bếp sẽ đẩy nhanh quá trình làm khô củi. Nhưng bạn nên chú ý khoảng cách, vì lửa hoặc than có thể làm cháy xung quanh.
2. Tăng bề mặt tiếp xúc giữa củi và không khí
Nhiều người lầm tưởng việc càng nhiều củi sẽ làm cho lửa mạnh hơn. Nhưng điều này đúng khi bạn đã có một lượng nhiệt lớn trước đó.
Khi mới bắt đầu đun lửa, nhóm lửa, điều bạn cần làm đó là cách sắp xếp củi sao cho có lượng không khí lưu thông. Điều này cho củi cháy nhanh hơn, không có hiện tượng khói xuất hiện.
Bạn chỉ cần xếp một vài thanh củi, thêm ít vật liệu dễ cháy giúp nhóm lửa ban đầu. Xếp củi tạo khoảng không gian cho khí lưu thông.
Hạn chế được lượng khói trong quá trình đun nấu, đẩy nhanh quá trình cháy của củi thì món ăn sẽ được nấu nhanh hơn. Chính vì vậy sẽ giúp bạn tiết kiệm củi, cũng như tiết kiệm được thời gian.
3. Kỹ năng điều chỉnh củi, tránh thừa củi trong quá trình nấu ăn
Có thể khó cho những người mới, nhưng nấu nướng một thời gian bạn sẽ có khả năng định lượng được lượng củi cần thiết cho lần nấu nướng đó của bạn.
Khi ngọn lửa đã cháy bạn có thể điều chỉnh lượng nhiệt bằng số lượng củi trong bếp theo nguyên tắc:
Xác định món nấu ăn, giai đoạn nấu ăn. Giai đoạn đầu làm nóng từ lúc nồi lạnh đến lúc món đó đạt điểm sôi, giai đoạn sau là giữ nồi sôi. Một số người có thói quen sử dụng củi rất nhiều mọi lúc, điều này rất lãng phí.
Thay vì vậy, bạn có thể điều chỉnh nhiệt thông qua việc điều chỉnh lượng củi, loại bỏ bớt củi thừa khi món ăn đã đạt đến điểm sôi. Chỉ để lại lượng củi phù hợp để duy trì trạng thái sôi của món ăn, vì lúc này bếp cũng đã có lượng nhiệt tích lũy trong quá trình làm sôi món ăn.
4. Dập tắt củi thừa khi nấu ăn xong
Đây là điều cần thiết nhất trong việc tiết kiệm củi trong quá trình nấu nướng. Một số người có thói quen, khi nấu ăn xong thường không dập lửa, để cho những thanh củi còn thừa tự cháy cho tới khi thành tro. Điều này rất không tốt, hãy dập tắt ngọn lửa khi không cần thiết nữa.
Cách dập lửa tuyệt vời đó là bạn hãy cho thanh củi vào cát, cát sẽ giúp bạn dập tắt lửa rất tốt.
Ngoài ra bạn có thể tận dụng lượng than để làm nhiều việc bằng cách cho than vào 1 vật chứa nào đó kín, không lọt khí oxi. Điều này ngăn quá trình cháy, dập tắt than. Sau đó bạn sử dụng than cho những bữa tiệc nướng của nhà mình nhé.
Kết luận
Tập cho mình những thói quen tốt trong quá trình nấu nướng với bếp củi để giúp gia đình bạn tiết kiệm củi, chất đốt, nguồn nhiên liệu. Điều này sẽ góp một phần lớn về kinh tế cũng như thời gian.
Ngoài những nguyên tắc, thói quen khi nấu nướng, việc làm, xây dựng bếp củi như thế nào cũng rất quan trọng. Tham khảo thêm những ý tưởng về bếp củi không khói, lại tiết kiệm củi để giúp gia đình mình giảm bớt chi phí nhé.