Với những loại nguyên liệu dễ kiếm, dễ tìm mà đôi khi lại có sẵn trong gia đình. Cùng với một vài bước thao tác cơ bản cùng với nồi chiên không dầu thần thánh – thì món bánh mì quen thuộc cũng trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.
Cùng Căn Bếp Xinh làm bánh mì Việt Nam bằng nồi chiên không dầu ngay sau nhé!
Tham khảo thêm: Cách Làm Tóp Mỡ Bằng Nồi Chiên Không Dầu Giòn Rụm
Bởi vì thành phần của một ổ bánh mì là không nhiều nên nguyên vật liệu chúng ta cần chuẩn bị là khá đơn giản. Để làm được một ổ bánh mì theo kích cỡ của nồi chiên không dầu bạn cần:
- 250gr bột mì đa dụng. Mình dùng bột mì đa dụng vì đó là loại bột có hàm lượng protein cao nên thích hợp để làm những loại bánh có kết cấu chắc như bánh mì, và một điều nữa là loại bột này rất thông dụng và dễ dàng tìm thấy ở chợ và tiệm tạp hóa.
- 140ml sữa tươi không đường hoặc nước lọc tùy bạn muốn. Theo mình nếu bạn muốn ăn kèm bánh mì với thịt, chả hoặc trứng thì nên sử dụng nước lọc, còn nếu bạn chỉ ăn bánh mì với bơ thì nên sử dụng sữa.
- 5g men nở. Có thể nói men nở là nguyên liệu không thể thiếu để làm nên một chiếc bánh mì thơm ngon, men nở giúp bột bánh lên men nhanh và khi đem nướng thì bánh mì sẽ nở và phồng rộp lên trông đẹp mắt và xốp hơn. Bạn nên chọn mua loại men khô, hạt mịn và màu nâu nhé, được gọi là men instant.
- ⅓ thìa cafe muối.
- 20gr đường.
- 20ml dầu ăn.
Các bước làm bánh mì Việt Nam bằng nồi chiên
1. Nhào bột
Bước 1: Cho 5gr men nở vào 140ml nước lọc đã chuẩn bị và để trong vòng 15 phút đợi cho men nở. Bạn lưu ý không nên cho muối và đường vào cùng một lúc với men sẽ làm suy yếu khả năng hoạt động của men.
Bước 2: Bạn cho ⅓ thìa cafe muối, 20gr đường vào 250gr bột mì đã chuẩn bị và trộn đều lên, tiếp tục cho 20ml dầu ăn vào và trộn đều. Sau đó cho hỗn hợp men nở vào và trộn bột.
Bước 3: Khi các nguyên liệu đã quyện thành một khối thì bạn dùng tay hoặc miếng vét bột cho bột lên tấm lót nhào bột hoặc một mặt phẳng đã lót sẵn một lớp áo bột chống dính, đồng thời bạn nên phủ một lớp bột lên tay mình và tiến hành nhào bột nhẹ nhàng, đảm bảo bột không bị vỡ hay tách rời ra khi nhồi.
2. Ủ bột
Sau 10-15 phút nhào thì bột đã đạt trạng thái dẻo, bề mặt mịn màng, khi cầm cảm giác mềm mại và có thể kéo màng mỏng. Lấy phần bột đã nhồi đập bằng các đầu ngón tay, nhồi cuộn từ ngoài vào trong để không bị dính tay, xong thì phủ kín tô bột bằng màng bọc thực phẩm hoặc lấy luôn tô úp xuống phần bột sau đó ủ tầm 30 phút đến 1 tiếng cho đến khi bột nở gấp đôi.
Tiếp theo xoa tay với phần dầu còn lại nhào bột thêm 2-3ph nữa.
3. Tạo hình bánh
Lăn dài khối bột, sau đó chia ra từng phần nhỏ.
Đối với mỗi phần bột sẽ cán mỏng rồi cuộn tròn lại tạo chóp nhọn ở hai đầu, sau đó cho vào giỏ chiên ủ đến khi nở gấp đôi rồi dùng dao rạch 1 đường dài trên mặt của khối bột. Bạn có thể dùng dao tạo hình bất kì mà bạn thích, tuy nhiên bạn chỉ nên rạch một cách nhẹ nhàng trên bề mặt bột, không nên rạch quá sâu nhé.
4. Nướng bánh mì
Làm nóng nồi chiên ko dầu. Sau đó lót giấy nến, cho bánh vào nồi, xịt nước lên mặt bánh. Nếu bạn không có bình xịt nước thì dùng tay của mình nhúng vào nước và rảy lên mặt bánh nhé, lưu ý phải rửa tay thật sạch nhé.
Nướng bánh mì bằng nồi chiên không dầu bao nhiêu phút?
- Đối với lò nướng, nướng bánh mì ở nhiệt độ 200 độ trong 10 phút, sau 10 phút bạn xịt nước lên bánh cho vỏ bánh mỏng bớt và giòn, nướng thêm 20 phút nữa đến khi bánh vàng là được.
- Với nồi chiên không dầu, nướng 160 độ trong 5 phút, sau 5 phút xịt nước lên rồi nướng lần 2 thêm 5 phút nữa, xong trở mặt bánh cho vàng đều, nướng thêm 4 phút nữa là xong.
Và thành phẩm của chúng ta là những ổ bánh mì nóng hổi, vàng ươm giòn rụm, thơm lừng.
Những mẹo nhỏ giúp bánh ngon
Mẹo nhào bột: Nhào bột là thao tác quan trọng nhất trong cả quá trình làm bánh, do đó bạn nên chịu khó kiên nhẫn nhào bột. Bạn dùng cổ tay đẩy và kéo dãn khối bột về phía trước và gập lại, việc kéo dãn này sẽ hình thành một mạng lưới kết dính trong khối bột. Xoay miếng bột lại 90 độ và tiếp tục kéo giãn rồi gập lại, bạn thực hiện như vậy từ 10-15 phút.
Có thể trong lúc nhào khối bột sẽ không hoàn toàn dẻo và mịn nhưng nếu bạn ngửi thấy mùi men và khối bột không bị tách rời thì có thể đem ủ và nướng rồi nhé, còn nếu bạn không ngửi thấy mùi men sau một khoảng thời gian dài đằng đẵng nhào bột thì có thể men đã chết hoặc bị vô hiệu hóa rồi nhé, tức là không thể nướng thành bánh mì được đó ạ.
Khi nướng bánh: Chuẩn bị một khay nước bên dưới lò đặt khay bánh lên trên, khi nướng có khay nước nóng giúp bánh có hơi ẩm, bánh nở tốt hơn vỏ mỏng giòn hơn.
Kết luận
Chỉ cần các thao tác đơn giản cùng với nồi chiên không dầu thì bạn đã dễ dàng tự tay làm những chiếc bánh mì Việt Nam bằng nồi chiên thơm giòn, nóng hổi cho cả gia đình mình.
Bánh mì ăn kèm với thịt chả cùng với rau thơm, một ít nước chan lại thêm vài miếng ớt xanh và một ly sữa ấm hoặc cũng có thể thưởng thức cùng một ly cà phê. Còn gì hơn cảm giác thưởng thức món ăn do chính tay mình làm ra lại chẳng thua kém gì ngoài tiệm. Còn ngần ngại gì nữa mà không bắt tay vào làm ngay nào. Chúc các bạn thành công với sản phẩm của mình.