Ý tưởng ủ rác nhà bếp làm phân bón

5 Cách Ủ Rác Nhà Bếp Làm Phân Bón Trồng Cây

Nấu ăn không thể tránh khỏi việc bạn phải đổ đi một phần thức ăn khi sơ chế cũng như lượng thức ăn còn lại sau khi dùng bữa. Để tránh lãng phí cũng như giúp một phần bảo vệ môi trường, lại có nguồn phân bón hữu cơ trồng cây. Tại sao bạn không thử ủ rác nhà bếp làm phân bón trồng cây cho gia đình mình.

ủ rác nhà bếp
  • Đầu tiên phải kể đến đó là, tận dụng được một lượng rác thải trong nhà bếp, giảm lãng phí.
  • Có tác động không nhỏ tới môi trường, việc ủ rác sẽ giúp giảm được một lượng rác thải lớn mỗi năm, giảm áp lực lên môi trường, cũng như sẽ giúp các cô chú môi trường làm nhẹ hơn một phần.
  • Nếu gia đình bạn có khoảng không gian trồng cây, trồng rau, thì đây là nguồn phân bón hữu cơ tuyệt vời. 
  • Hạn chế sử dụng phân bón hóa học, tiết kiệm được một khoản chi phí mua phân bón.
  • Giúp đất có đầy đủ chất dinh dưỡng, cải tạo đất rất tốt.
  • Rau hay cây trồng được tưới bằng phân hữu cơ sẽ không lo ngại về vấn đề sức khỏe.

2. Phương pháp ủ rác nhà bếp làm phân bón

Có rất nhiều cách ủ rác nhà bếp, tùy không gian sống của bạn mà bạn có thể có mỗi phương pháp khác nhau. 

Nếu như gia đình bạn ở nông thôn thì rất đơn giản, bạn chỉ cần trộn chung với đất. Hay thậm chí bạn chỉ cần đào quanh gốc cây, lấp chúng lại là bạn đã có ngay nguồn phân bón hữu cơ cho cây trồng.

Nhưng nếu bạn ở khu vực thành thị, diện tích nhỏ hẹp, không có sân vườn rộng thì vấn đề này khó hơn. Việc ủ rác hiệu quả không gây hôi, thối là việc bạn nên chú ý.

Có sự khác nhau giữa việc ủ rác lấy phân bón dạng đất và phân bón dạng nước. Tùy vào mục đích của bạn mà có cách ủ và lựa chọn thành phần rác ủ khác nhau.

Dưới đây là một số cách ủ rác nhà bếp để trồng cây, trồng rau mà bạn có thể bắt tay vào xử lý nguồn rác thải nhà bếp bạn thải ra hàng ngày rồi.

1. Ủ rác nhà bếp bằng thùng xốp

Ủ rác lấy phân bón dạng đất.

Nguyên liệu chuẩn bị:

  • Thùng xốp còn nguyên vẹn, không quá cũ, còn nắp.
  • Rác thải nhà bếp như: các loại rau củ, hoa quả, trái cây, báo chí, bã cà phê…hạn chế sử dụng cá, tôm…vì loại này sẽ gây mùi hôi khó chịu. Các loại này bạn nên cắt nhỏ ra, để ráo nước thì tốt hơn.
  • Một số phụ kiện khác: bao tay, dao, kéo, chế phẩm sinh học, hoặc trùn quế…

Quy trình ủ rác bằng thùng xốp:

  • Trước tiên bạn lót 1 lớp đất thịt, đất cũ trong chậu cây, đất vườn dưới đáy thùng xốp. Điều này sẽ giúp lượng nước chảy ra từ rác thấm qua lớp mùn đất.
  • Rác nhà bếp bạn chuẩn bị lúc nãy bạn cho lên, rải đều ra, trộn nhiều loại với nhau. 1 lớp đất là 1 lớp rác hữu cơ nhà bếp, rải thêm một ít chế phẩm sinh học lên. Tiếp tục cho tới hơn 2/3 thùng xốp.
  • Cuối cùng thì đậy nắp lại, nhớ đậy thật kín. Điều này sẽ hạn chế được các loài sinh vật như: ruồi, nhặng… có thể xâm nhập đẻ ấu trùng và gây ra mùi hôi thối khó chịu.
  • Thời gian ủ khô dạng này thì mất 20-24 ngày lượng rác thải từ nhà bếp phân hủy hết. Rác thải sẽ biến thành mùn, trộn lẫn lớp đất, mùi hôi không còn thì bạn có thể sử dụng đất này để trồng cây.

2. Cách ủ rác bằng thùng gỗ tự chế

Ủ rác lấy phân bón dạng đất.

Nguyên vật liệu cần chuẩn bị:

  • Bạn đóng 1 cái thùng gỗ từ những thanh gỗ thừa trong nhà, hay là mua ở xưởng gỗ, thậm chí là có thể ghép từ những vật dụng bằng gỗ trong nhà đã hư hỏng. Bạn đóng thành thùng có thành khá cao, tùy vào lượng rác nhà bạn nhiều hay không.
  • Rác thì bạn phân loại ra: ẩm gồm rau củ, trái cây, thức ăn thừa, túi trà, rong biển…khô bao gồm rơm, rạ, giấy, báo…
  • Một số phụ kiện khác: bao tay, dao, kéo, chế phẩm sinh học, hoặc trùn quế…
  • Đất trồng cây, phân bón…

 Quy trình ủ rác trong thùng gỗ:

  • Cách này áp dụng cho nhà nào có khoảng không gian vườn khá lớn, thùng gỗ được đặt cố định trong gốc vườn.
  • Trộn đều đất và phân, trùn quế, chế phẩm sinh học trên đất trống trong sân vườn. 
  • Bây giờ bạn cho vào thùng gỗ một ít lá cây, cành cây, rơm rạ vài cm. Việc này giúp thoát nước và giúp thoáng khí cho việc ủ.
  • Thêm rác thải nhà bếp vào xen kẽ ẩm và các loại khô. Trong quá trình ủ thì bạn xen lẫn 1 ít bột gỗ, tro, trấu, lá cây. Nhớ rãi đều, không để vón cục làm khó phân hủy.
  • Thêm hỗn hợp đất, phân chuồng, trùn quế, chế phẩm sinh học đã trộn đều ở trên vào. Những loại này chứa nguồn ni tơ lớn nên có thể kích hoạt nguồn sinh vật có lợi và đẩy nhanh quá trình ủ.
  • Trong quá trình ủ bạn nên giữ ẩm cho hỗn hợp. Thỉnh thoảng bạn nên tưới nước.
  • Che phủ thùng gỗ lại. Đậy lại giúp tạo nhiệt cho vi sinh vật phát triển. Cũng như tránh việc mưa sẽ làm úng thùng ủ phân.
  • Bạn nên trộn đống hỗn hợp trong thùng gỗ 1 tuần 1 lần bằng xẻng hay xĩa. Giúp thoáng khí, cung cấp ô xi cho các hoạt động chuyển hóa của vi sinh vật.
  • Hàng ngày bạn có thêm nguồn rác thải mới từ nhà bếp, nhưng nhớ trộn đều chúng lên.

Lưu ý: Nếu bạn muốn có nguồn phân mịn thì bạn trộn đều như trên, còn nếu không thì bạn không cần trộn, bạn sẽ nhận được loại phân giàu chất thô, để tạo độ xốp cho đất.

3. Cách ủ rác bằng thùng chứa

ủ rác nhà bếp trong thùng chứa

Ủ rác lấy phân bón dạng nước.

Nguyên vật liệu cần chuẩn bị:

  • Thùng ủ rác hữu cơ, có thể là 1 thùng xốp hay nhựa có vòi tự chế, bằng cách bạn mua vòi nước hay tận dụng vòi nước gắn vào.
  • Rác thải nhà bếp các loại: cách này không kén chọn loại rác nên bạn có thể tận dụng hầu hết các loại rác trong nhà, ngoài sân… Tuy nhiên chất thải từ nhựa, chất không phân hủy được thì không được.
  • Phụ kiện cùng men vi sinh chuyên ủ rác.

Quy trình ủ:

  • Men vi sinh mua về bạn trộn tỷ lệ 300ml men cùng với 10l nước.
  • Cho rác thải nhà bếp vào, đậy nắp lại là xong, nhớ là nước phải được đổ ngập.
  • Hàng ngày có rác thì bạn tiếp tục thêm vào, không cần thêm men vi sinh nữa, men sẽ tự sinh ra trong quá trình ủ. Nhớ là bơm nước ngập lượng rác tránh gây hôi thối.
  • Ủ cách này khoảng 2-3 ngày sau lấy phân(dạng nước) pha loãng ra để tưới cây trong vườn.
  • Bạn lặp lại quá trình này vài lần. Sau đó bạn làm sạch thùng và làm lại từ đầu.
  • Loại nước phân bón từ rác thải sinh hoạt nhà bếp dạng này có thể tưới hàng ngày cho cây con, hoa, cây cảnh, rau…
  • Trong quá trình ủ bạn có thể cho các loại vỏ trái cây có mùi thơm như cam, bưởi…vào để hạn chế mùi của rác.

4. Cách ủ rác nhà bếp bằng xô

ủ rác trong xô chậu

Ủ rác lấy phân bón dạng nước:

Nguyên vật liệu cần chuẩn bị:

  • Thùng, xô sơn, xô nhựa…
  • Rác thải nhà bếp: rác tổng hợp rau củ, vỏ trái cây, báo, giấy…
  • Để cho đất giàu chất dinh dưỡng thì bạn có thể thêm chuối, nha đam, sữa đậu này, sữa chua, men bia…
  • Chế phẩm sinh học/ men sinh học. Nhưng loại này bạn có thể đặt mua trên các sàn thương mại điện tử hay cửa hàng bán vật liệu trồng cây.
  • Các phụ kiện cần thiết khác

Quy trình ủ rác thải trong xô:

  • Rác thải nhà bếp: bạn thái nhỏ các loại ra, không cần quá mịn đâu. Sau này khi đã dùng hết lượng nước thải chảy ra, thì bạn lấy cái phần cái còn lại đi trộn đất trồng cây tạo độ tơi xốp.
  • Cho hết rác đã cắt nhỏ vào thùng, rải đều 2-3 thìa chế phẩm sinh học. Bạn có thể thêm sữa chua hay men bia vô để giúp tăng khả năng phân hủy rác.
  • Đậy nắp kín lại, tránh tạo môi trưởng sinh trưởng cho ruồi bọ, cũng như tạo môi trường kín, tránh ánh sáng hỗ trợ vi sinh vật có lợi phát triển. Hàng ngày bạn dùng cây dài quậy đều 1 lần. Sau đó bạn đóng lại ngay nhé
  • Sau khoảng 3-4 ngày bạn mở ra kiểm tra. Lúc này rác sẽ phân hủy 1 phần và chuyển sang màu hơi đen. Rác đã lên men, mùi chua nhẹ, ít hôi là đạt nhé mọi người.
  • Khoảng 2-3 tuần sau, chắt lấy nước vào chai nhựa. Tưới cây thì bạn pha tỉ lệ 10l nước với 100ml nước từ rác thải.

5. Cách ủ rác nhà bếp bằng chai nhựa

ủ rác nhà bếp trong chai nhựa

Ủ rác lấy phân bón dạng nước thấm trực tiếp vào đất.

Nguyên vật liệu cần chuẩn bị:

  • Mấy chai nhựa 1,5l hay to nhỏ hơn tùy bạn
  • Rác thải nhà bếp loại rác thực vật, loại khô…tránh dùng loại rác từ thịt động vật có thể gây mùi hôi khó chịu.
  • Chế phẩm sinh học

Quy trình ủ rác bằng chai nhựa:

  • Chai nhựa bạn cắt phần đáy chai, đặt ngược xuống chậu cây, thùng xốp bạn đã trồng rau. Lấy vật gì đó cố định lại.
  • Bạn cho 1 lớp đất xốp nhẹ vào đáy chai, rải 1 ít rác thải nhà bếp đã được cắt mịn, 1 lớp men sinh vật hay chế phẩm sinh học.
  • Điều này sẽ giúp bạn cung cấp lượng nước, phân bón từ rác cho đất từ từ, bằng phương pháp nước chảy từ chai, thấm vào đất và rút dần.
  • Lưu ý chỉ áp dụng cho gia đình có ít chất thải từ nhà bếp nhưng vẫn muốn tận dụng nó để cung cấp phân bón hữu cơ cho cây trồng.

3. Một số câu hỏi thường gặp trong quá trình ủ rác nhà bếp

1. Làm sao để hạn chế mùi hôi từ rác

Côn trùng, ruồi, nhặng như bản năng tự nhiên của chúng thì chúng sẽ luôn xuất hiện những nơi như phân, rác…để kiếm môi trường sinh đẻ ấu trùng. Vì vậy trong quá trình ủ rác thải bạn lưu ý ủ kín các thùng chứa, thùng ủ rác. Tránh tạo điều kiện cho ruồi nhặng xâm nhập, gây ra mùi hôi khó chịu.

Ngoài ra, sau khi thêm rác vào hàng ngày bạn có thể thêm một số loại rơm, rạ, cỏ cắt nhỏ vào trên miệng thùng ủ rác. Điều này cũng giúp hạn chế côn trùng.

Nếu gia đình có vôi, canxi bạn cũng có thể cho vào. Ruồi, muỗi không thích mùi của vôi nên giúp chúng tránh xa khỏi thùng chứa. Vôi cũng giúp trung hòa mùi hôi. 

Nếu thùng ủ rác nghe mùi amoniac thì bạn hãy thêm các thành phần rác chứa cacbon như: rêu, rong, than bùn, lá khô, rơm rạ… vào. Nó sẽ giúp trung hòa mùi amoniac.

2. Những loại rác nhà bếp nào nên được sử dụng

rác thải nhà bếp

Một số rác thải trong gia đình mà bạn có thể tận dụng để ủ thành phân bón hữu cơ cho cây gồm:

  1. Thực vật: các loại rau, củ, trái cây, vỏ cây, tảo, rong biển, lá cây, vỏ cây trong vườn…
  2. Động vật: xương các loại khi ăn xong, vỏ trứng, vỏ các loại giáp xác, lông gia cầm, sản phẩm từ sữa…
  3. Các vật liệu phân hủy được như: bã cà phê, giấy vụn, báo chí, giấy bọc thức ăn, hộp take away bằng chất liệu giấy, gỗ ép…
  4. Cùng một số loại như: rơm rạ, tro bếp, thùng carton,…

Lưu ý: để cho dễ phân hủy và tiết kiệm diện tích trong thùng ủ bạn nên cắt mịn các loại rác này trước khi cho vào thùng.

Một số loại không nên sử dụng đó là: ly, cốc, chén, bao bì ni lông…lưu ý có một số hộp đồ ăn nhanh bằng giấy nhưng vẫn có 1 lớp ni lông phủ bên ngoài bạn cũng không nên tận dụng, miếng bọc thực phẩm, dầu mỡ sau khi chiên rán…

3. Một số mẹo giúp ủ rác nhà bếp hiệu quả

  • Khi bạn chưa kịp ủ, để lưu trữ rác thải nhà bếp trước khi đưa chúng đi ủ thì bạn cho vào thùng kín, đậy nắp lại đối với cách ủ lấy nước. Bạn phân loại, cắt mịn các loại rau, củ, thực vật… đối với cách ủ khô lấy phân bón.
  • Khi trộn thì nên rãi đều các nguyên liệu, không để chúng vón cục lại. Điều này sẽ làm cho quá trình ủ lâu hơn, cũng như giảm độ thoáng khí. Nên xen vào cái lớp tạo độ thông thoáng như rơm, rạ…
  • Thêm đất vườn, đất trồng cây củ, xơ dừa, tro, mùn… sẽ hạn chế mùi hôi và vi sinh vật có sẵn trong đó sẽ đẩy nhanh quá trình ủ phân.
  • Bạn nên thêm chế phẩm sinh học, men sinh học…những loại này có trên thị trường, giúp cho quá trình ủ diễn ra nhanh hơn. Ngoài ra một số loại như sữa chua, sữa đậu nành, bia cũng giúp quá trình ủ rác hiệu quả hơn.
  • Ngoài ra, hãy tận dụng nước vo gạo, nước rửa thịt cá(không cần ủ) để tưới trực tiếp cho cây nhé mọi người. Sẽ cung cấp chất dinh dưỡng cho cây phát triển và giúp cải tạo đất rất tốt.

Kết luận

Bây giờ thì bạn đã có ngay cho mình cách để ủ rác thải nhà bếp làm phân bón cho cây tại nhà rồi. Hãy bắt tay vào để hạn chế việc lãng phí tài nguyên, cũng như giúp vườn rau nhà mình thêm xanh tốt nhé.

Tham khảo thêm ý tưởng nhà bếp đây nhé:

Share on facebook
Share on twitter
Share on pinterest

Bài viết liên quan