Bạn biết không, mỗi ngày có 3,5 triệu tấn rác được thải ra ngoài môi trường trên Trái Đất. Và có đến 69.000 tấn rác thải sinh hoạt được thải ra mỗi ngày ở Việt Nam. Theo các chuyên gia dự đoán thì số lượng rác thải sẽ tiếp tục tăng. Rác thải tăng gây ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái và kéo theo nhiều hệ lụy. Để góp phần bảo vệ môi trường, hạn chế lượng rác thải hằng ngày.
Rác thải nhà bếp thường bao gồm như rau, củ quả, vỏ trái cây, vỏ trứng, lá cây… đa phần là rác thải hữu cơ. Dễ dàng phân hủy và chứa sẵn các chất dinh dưỡng. Nên dễ dàng sử dụng để ủ thành phân.
Hôm nay, cùng Căn bếp xinh tham khảo cách ủ rác nhà bếp trong thùng xốp đơn giản, nhanh chóng. Giúp nhà bạn tận dụng được lượng rác hữu cơ hàng ngày tạo phân bón cho cây trồng.
Nguyên vật liệu cần chuẩn bị
- Thùng xốp cỡ lớn có đầy đủ nắp. Nếu không có cỡ lớn bạn có thể sử dụng cỡ nhỏ. Tuy nhiên bạn nên dùng thùng rác cỡ lớn. Để rác thải cho được nhiều. Và bạn có thể tiếp tục cho rác mới vào cùng với rác cũ.
- Một gói phân vi sinh Tricho. Sử dụng như một chất xúc tác ban đầu.
- Đất trồng đã qua sử dụng.
- Nguyên liệu quan trọng đó chính là rác thải của nhà bếp. Bạn nên sử dụng những loại rác từ thực vật như rau củ, vỏ trứng, cà phê… Một lưu ý nhỏ những loại rác thải không được đem ủ: xương cá, xương động vật, dầu mỡ,… những loại thực phẩm có vỏ cứng và khó phân hủy.
Cách thực hiện như sau
Bước 1: Bạn cho một lớp đất trồng vào trong thùng xốp trước. Trong quá trình phân hủy rác thải sẽ ra nước. Do đó lớp đất này đóng vai trò hút nước.
Bước 2: Tiếp theo bạn cho rác thải nhà bếp vào. Sử dụng bay, gậy hoặc tay (lưu ý nên mang bao tay để giữ vệ sinh) trải đều rác thải ra xung quanh thùng xốp.
Bước 3: Bạn rắc đều một ít phân vi sinh Tricho lên bề mặt rác thải. Nhằm mục đích kích thích quá trình phân hủy và tạo phân. Ngoài ra còn giúp giảm bớt mùi hôi.
Bước 4: Tiếp tục cho thêm một lớp đất dày 5cm lên trên. Lưu ý phải đủ 5cm thì mới đạt yêu cầu. Nén chặt lớp đất lại.
Bước 5: Tưới một ít nước lên bề mặt đất để giữ ẩm. Lưu ý chỉ một ít, không nên tưới quá nhiều. Sau đó đậy nắp thùng xốp lại và để trong 30 ngày.
Nếu bạn sử dụng lượng rác thải nhiều thì bạn có thể làm theo cách như sau: Một lớp đất, một lớp rác thải, ít phân vi sinh. Lặp lại từng lớp như vậy, 1 lớp đất + 1 lớp rác cho đến khi còn lại 5cm cho lớp đất trên cùng. Tham khảo thêm nhiều cách làm thùng ủ rác hữu cơ tại đây nhé!
Sau 30 ngày bạn có thể lấy ra và sử dụng. Hoặc trồng trực tiếp cây vào bên trong. Tuy nhiên nếu bạn đem trồng cây trực tiếp thì lưu ý thùng xốp trước khi đem đi ủ phải được đục lỗ trước đó.