Như bạn đã biết chuối là một trái cây có giá trị dinh dưỡng(1) nằm trong top đầu được các chuyên gia khuyên dùng. Không chỉ có ruột chuối mà vỏ chuối chứa chất dinh dưỡng cũng không thua kém gì.
Ngoài công dụng làm đẹp, làm trắng răng, đánh bóng đồ đạc,… thì vỏ chuối còn được sử dụng làm phân bón hữu cơ. Trong vỏ chuối chứa nhiều Vitamin, Magie, Canxi, chất xơ và chất đạm. Rất có ích cho cây trồng. Sử dụng phân bón hữu cơ giúp cây trồng phát triển tự nhiên và an toàn. Hàm lượng chất dinh dưỡng cao hơn.
Cùng chúng tớ tìm hiểu một vài cách ủ vỏ chuối lấy nước tưới cây dưới đây nhé.
Mục lục
1. Ủ vỏ chuối với nước
Nguyên vật liệu cần chuẩn bị
- Vỏ chuối chín tươi hoặc đã héo. Bạn lưu ý tất cả các vỏ chuối đều phải được loại bỏ cuống. Số lượng tùy thích.
- Một chai nhựa từ 1,5 đến 5 lít tùy số lượng vỏ chuối mà bạn có được. Chai nhựa đã cắt phần đầu, chỉ lấy phần thân và đáy chai.
- Kéo, phễu lọc.
- Nước.
Các bước thực hiện
Bước 1: Bạn cắt vỏ chuối thành từng khúc, không nhất thiết phải cắt quá nhỏ. Cắt vừa đủ là được.
Bước 2: Cho vỏ chuối đã cắt vào trong chai nhựa đã chuẩn bị. Sau đó đổ đầy nước.
Bước 3: Đậy nắp hoặc kiếm một vật đậy lên. Đảm bảo che kín miệng chai. Sau vài ngày, bằng mắt quan sát bạn sẽ thấy nước chuyển sang màu đục, hơi ngả vàng là có thể sử dụng.
Bước 4: Tiến hành lọc nước. Bạn sử dụng một chiếc phễu hoặc phần đầu chai đã được cắt ra làm phễu. Trước khi lọc lưu ý nên khuấy nước ngâm thật đều.
Lọc lấy nước vỏ chuối đã ngâm đem tưới cây. Bạn có thể pha loãng thêm một ít nước lọc để tưới cây.
Phần vỏ chuối vớt ra bạn có thể đem xay và trộn chung với đất trồng. Lưu ý không nên chôn quá gần với rễ cây, quá trình phân hủy sẽ khiến rễ cây bị hư hại.
2. Cách làm dịch chuối với nước vo gạo
Nguyên vật liệu cần chuẩn bị
- 1 thùng sơn cỡ 18 lít (bao gồm nắp)
- Vỏ chuối chín tươi hoặc héo. Một vài quả chuối đã bị hư. Số lượng tùy thích. Nhưng nên nhiều một chút vì chúng ta sử dụng thùng sơn với thể tích lớn
- Nước vo gạo.
- Nước lọc.
Cách thực hiện
Bước 1: Cắt vỏ chuối và thành từng miếng vừa, tầm 3cm. Điều này giúp vỏ chuối phân hủy nhanh hơn. Tuy nhiên nếu bạn không có thời gian, thì có thể không cần cắt vỏ chuối.
Bước 2: Cho hỗn hợp chuối và vỏ chuối vừa cắt vào thùng sơn. Cho nước vo gạo vào cho đến ngập vỏ chuối. Nếu nước vo gạo không đủ, bạn đổ thêm nước lọc vào. Việc đổ nước ngập vỏ chuối giúp ngăn ngừa vi khuẩn có hại phát triển.
Bước 3: Dùng gậy khuấy đều hỗn hợp lên. Sau đó đậy nắp kín lại và để ở một góc thoáng mát. Sau một vài ngày, bạn có thể thấy trên bề mặt nước có một lớp màng màu trắng là có thể sử dụng được.
Bạn nên pha thêm nước ngâm này với nước lọc để tưới cho cây. Vừa làm loãng được dung dịch. Vừa tận dụng tưới được cho nhiều cây.
Trong quá trình ngâm vỏ chuối. Nếu bạn có thêm nước vo gạo hoặc và vỏ chuối thì cứ tiếp tục cho vào. Hỗn hợp cũ như là một con men cái ban đầu giúp cho quá trình lên men diễn ra nhanh hơn.
Một đặc điểm của loại nước ngâm này là không có mùi hôi khó chịu, rất dễ ngửi.
3. Ngâm vỏ chuối với giấm hoặc với nước mía
- Chuối cắt miếng nhỏ vừa đủ, cho vào trong chai, lọ hoặc thùng sơn tùy ý thích của bạn.
- Đối với giấm ăn, chỉ cần sử dụng 500ml là vừa đủ, bạn có thể cho thêm nước lọc để ngập vỏ chuối. Lưu ý nên mở nắp sau 2 – 3 ngày để hơi được thoát ra, tránh gây nổ do sự thoát khí.
- Đối với nước mía, bạn sử dụng khoảng vừa đủ để ngập vỏ chuối. Cùng với một ít phân vi sinh, bạn dùng loại Tricho hay Emzeo đều được. Sau 7-10 là có thể sử dụng.
4. Cách ngâm vỏ chuối tưới hoa hồng
Nước được ủ từ chuối sẽ giúp cho hoa hồng sai bông, hoa màu đậm và sẽ phát triển tốt hơn. Để tiết kiệm được chi phí chăm bón cũng như đạt được hiệu quả hơn thì bạn có thể tham khảo 2 cách ủ chuối lấy nước tưới cho hoa hồng dưới đây:
5.1. Ủ chuối với nước mía
- Bạn chuẩn bị chuối nguyên trái, loại chuối chín nẫu. Có thể tận dụng chuối đã bị hỏng hoặc mua ở các sạp trái cây loại đã chín đen.
- Sau đó thái nhỏ thành lát mỏng, cho vài chai lọ thủy tinh hoặc xô chậu. Tùy vào số lượng chuối mà bạn có.
- Tiếp theo bạn cho nước mía vào, theo tỉ lệ 1kg chuối thì 300ml nước mía, 3l nước sạch.
- Đậy nắp lại, bạn nên kiếm một lớp vải mỏng ủ lại sau đó đậy kín.
- Ủ trong vòng 1 tuần là có thể sử dụng. Không nên tưới trực tiếp dung dịch chuối cho hoa hồng. Bạn nên pha thêm nước lọc theo tỉ lệ 100ml dung dịch chuối cùng 1l nước. Sau đó tưới cho cây. 1 tuần 1 lần.
5.2. Nấu chuối cùng chế phẩm sinh học
- Bạn cũng chuẩn bị chuối chín, vỏ chuối cắt thành lát mỏng
- Cho vào nồi cùng với nước theo tỉ lệ tương đương 1kg chuối 3 lít nước. Đun sôi tầm 20-30 phút.
- Sau đó đợi chuối nguội thì bạn cho vào máy xay, xay nhuyễn. Cho vào lọ hay thùng, thêm chế phẩm sinh học vào. Ủ trong vòng 1 tuần là có thể sử dụng.
- Hòa dung dịch chuối với nước lọc và tưới cho hoa tuần 1 lần.
Chúc bạn thành công với một vài cách ủ vỏ chuối lấy nước tưới cây mà chúng mình đưa ra nhé. Ngoài vỏ chuối thì các loại rác thải hữu cơ, rác thải nhà bếp hàng ngày bạn cũng có thể tận dụng để làm phân bón cho cây trồng. Tham khảo cách ủ rác nhà bếp để giúp tiết kiệm vừa bảo vệ môi trường nhé!