Nếu bạn có một khoảng sân vườn hay là những chậu cây xanh, rau củ…thì việc tận dụng nguồn phân bón hữu cơ từ rác thải nhà bếp là việc bạn không nên bỏ qua.
Bài viết trước chúng tôi đã giới thiệu Cách ủ nước vo gạo để tưới cây hay là công dụng của vỏ trứng thì hôm nay là bài viết chi tiết Công dụng của vỏ chuối cũng như cách ủ làm phân bón. Tôi hi vọng sau bài viết này bạn sẽ không còn ném vỏ chuối vào thùng rác nữa.
Chúng ta cùng bắt đầu nào!
Mục lục
Vỏ chuối có tác dụng gì cho cây?
Hầu hết mọi cây trồng đều cần cung cấp các dưỡng chất như: nitơ, phốt pho, kali. Những chất dinh dưỡng này rất cần cho sự phát triển và đơm hoa kết trái cho cây trồng. Vì vậy tận dụng vỏ chuối làm phân bón là điều bạn nên làm.
Trong vỏ chuối chứa một lượng lớn chất kali. Nó sẽ có tác dụng cung cấp chất dinh dưỡng lớn cho vườn cây nhà bạn. Kali giúp hỗ trợ quá trình hóa học, chuyển hóa xảy ra trong quá trình phát triển của cây.
Ngoài ra, kali còn giúp vận chuyển chất dinh dưỡng và nước giữa các tế bào với nhau, hỗ trợ quá trình quang hợp.
Với một số cây trồng, kali được bón đúng thời điểm sẽ giúp cây khỏe, hoa rực rỡ và trái sẽ ngon hơn.
Ngoài kali thì vỏ chuối còn chứa một số chất dinh dưỡng giúp cây khỏe mạnh như: magie, canxi, lưu huỳnh, mangan… những chất này đóng vai trò to lớn trong quá trình quang hợp, tạo ra chất diệp lục…
Một số loại cây ưa kali như: cà chua, ớt, dưa chuột, củ cải…kali sẽ giúp chúng ra trái nhiều hơn, trái to và khỏe mạnh.
Cách ngâm vỏ chuối tưới cây
Chuẩn bị nguyên liệu
- Vỏ chuối
- Bình hoặc chai có nắp
- Nước
Hướng dẫn ngâm
- Vỏ chuối sau khi ăn xong bạn cho vào lọ.
- Đổ đầy nước sạch vào bình và đậy nắp lại.
- Ngâm trong vòng 1-2 tuần. Sau đó lấy vỏ chuối ra.
- Pha loãng nước ủ từ vỏ chuối thành phẩm với nước theo tỷ lệ 1: 4.
Tùy theo lượng vỏ chuối mà bạn có mà bạn có vật chứa khác nhau như xô, chậu…nhưng nhớ chúng phải có nắp đậy nhé.
Dấu hiệu nhận biết cây thiếu kali
Bạn có thể nhận ra mình nên cung cấp kali cho cây khi cây có những biểu hiện sau đây:
- Đa số cây khi thiếu kali thì phần dưới của cây lá sẽ chuyển qua màu vàng.
- Hệ thống rễ cây kém phát triển.
- Bạn sẽ thấy cây ngừng phát triển hoặc phát triển chậm lại.
- Các loại cây ăn trái sẽ có hiện tượng chín không đều màu.
Cách tưới dịch chuối cho cây
Dung dịch sau khi được ủ thì bạn đem pha loãng với nước với tỉ lệ 1: 4. Tưới gốc cho cây 1 tuần 1 lần.
Bạn có thể tưới cho các loại cây trồng trong vườn như: cà chua, bí xanh, dưa chuột, cà tím, và cả hoa hồng.
Công dụng của vỏ chuối trong vườn
1. Xua đuổi các loại sâu bọ
Bạn có thể cắt nhỏ vỏ chuối và chôn dưới gốc cây để xua đuổi đám rệp hay sâu bọ. Phun phân bón từ vỏ chuối pha loãng lên cây cũng có tác dụng tương tự.
Ngoài ra bạn kết hợp vỏ chuối cùng giấm táo để làm bẫy diệt sâu bọ. Bạn cần chuẩn bị 1 ít vỏ chuối băm nhỏ và giấm táo. Cho vào lọ và đặt 1 cái phễu lên trên. Bọ sẽ chui vào và không thể thoát ra ngoài,
2. Trồng cây bằng vỏ chuối
Khi bạn bắt đầu trồng cây, bạn có thể thêm dưới chậu hay thùng cây một lớp vỏ chuối cắt mịn dưới đáy chậu. Sau đó bạn thêm đất và phân trộn lên và trồng cây bình thường. Sau một thời gian chuối phân hủy và cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng. Ưu tiên những loại cây ưa kali như cà chua, cà tím hay dưa chuột.
3. Giúp ươm cây mới
Bạn đặt 1 miếng vỏ chuối lên trên lổ hay bầu sau đó đặt hạt giống lên trên. Hoặc bạn có thể đặt hạt trực tiếp lên miếng chuối và lấp đất lại. Tưới nước và chờ đợi cây mới nảy mầm.
4. Làm phân bón mịn từ vỏ chuối
Việc bạn cần là thu thập vỏ chuối, cắt mịn sau đó sấy khô. Nếu bạn có lò nướng thì cho vào lò nướng và sấy khô chúng. Tiếp theo bạn xay mịn nó bằng máy xay hoặc giã bằng cối. Nếu không có lò nướng thì phơi bằng ánh nắng tự nhiên.
Sau khi xay mịn bạn cho vào hủ thủy tinh và làm phân bón dần cho cây. Bạn lấy 1-2 muỗng bột vỏ chuối rắc đều lên gốc cây. Tưới nước và xem kết quả sau đó nhé!
5. Bón trực tiếp
Nếu số lượng vỏ chuối của bạn ít thì bạn chỉ cần băm nhỏ vỏ chuối và cho vào gốc cây. Sau một thời gian vỏ chuối phân hủy và hòa tan chất dinh dưỡng vào đất giúp cây phát triển.
6. Làm giấm từ vỏ chuối
Bạn có thể tạo ra giấm bằng cách lên men vỏ chuối:
- Băm nhỏ vỏ chuối và cho vào lọ
- Đổ nước lên trên ngập vỏ chuối.
- Đậy lọ bằng 1 lớp vải mỏng. Đặt lọ nơi ấm áp và ủ trong 1 tuần.
- Sau đó bạn lấy vỏ chuối ra và tiếp tục ủ trong 1 tháng nữa.
- Thành phẩm bạn pha loãng với nước theo tỉ lệ 1:1 và bón cho cây cách tuần 1 lần.
Giấm chuối này thích hơn với cây cẩm tú cầu hay cây việt quất.
Tham khảo thêm nhiều cách ủ vỏ chuối lấy nước tưới cho hoa hồng và cây trồng tại đây nhé!
7. Làm phân bón cho đất
Sau khi bạn thu hoạch cây thì bạn nên cung cấp lại chất dinh dưỡng cho đất sau đó. Hãy xới đất lên và cho vỏ chuối băm mịn xuống. Ủ chúng trong đất một thời gian trước khi bắt đầu trồng cây mới. Vỏ chuối phân hủy và cũng cấp chất dinh dưỡng cho đất nhà bạn.
8. Lau sạch lá cây cảnh
Cây cảnh trong nhà lâu ngày sẽ bám bụi, chúng không chỉ làm mất vẻ đẹp của cây mà còn giảm khả năng hấp thụ ánh sáng mặt trời cũng như ảnh hưởng tới quá trình quang hợp của cây. Bạn có thể dùng mặt trong của vỏ chuối lau nhẹ lên lá cây. Hãy thử và bạn sẽ thấy tác dụng làm sạch của chúng.
9. Làm phân trộn bón cho cây trồng
Ngoài chuối thì các loại rác nhà bếp khác cũng là sự lựa chọn tuyệt vời cho việc tạo ra phân bón hữu cơ cho cây trồng. Làm phân trộn từ những loại thực phẩm vứt bỏ từ nhà bếp sẽ giúp bạn tiết kiệm được nguồn nguyên liệu cũng như bảo vệ môi trường. Hãy thu gom và băm mịn vỏ chuối sau đó cho vào phân trộn nhà bạn nhé. Theo dõi 5 cách ủ rác thải nhà bếp làm phân bón trồng cây ở đây.
Lời kết
Hi vọng những thông tin về công dụng của vỏ chuối và cách tận dụng nó cho khu vườn sẽ giúp bạn có thêm những kinh nghiệm hữu ích. Tự mình tạo ra được nguồn phân bón hữu cơ cho cây trồng, cung cấp nguồn rau sạch cho gia đình.